Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

CHĂM SÓC HỒ ĐIỆP CĂN BẢN

Hồ Điệp ngày nay được trồng khá phổ biến và rất được ưa chuộng không chỉ bởi vẻ đẹp tinh khôi của hoa mà còn độ bền sắc mà khó có loài hoa nào sánh bằng, có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc hơn.
(Nguồn Orchideen)
Thường nở rộ vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân, Hồ Điệp rất dễ sống trong điều kiện chăm sóc bình thường tại nhà nếu được đảm bảo các điều kiện tối thiểu sau đây
Ánh sáng
(Nguồn Mahoneygarden)
Hồ Điệp không thích hợp trồng ở những nơi có ánh nắng gay gắt, tốt nhất là nơi có bóng râm, đón nắng nhẹ vào buổi sáng. Nếu trồng trong nhà, bạn nên đặt chậu Hồ Điệp ở bậu cửa sổ hướng Đông hoặc hướng Nam để tránh nắng gắt. Khi nhận được nguồn sáng thích hợp, bộ lá của Hồ Điệp sẽ có màu xanh sáng, nhưng khi lá chuyển sang màu xanh đậm hay lá non lâu phát triển và có hình dáng thuôn dài hơn những chiếc lá cũ, điều này cho thấy cây đang thiếu nắng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cung cấp cho cây nguồn ánh sáng nhân tạo từ đèn huỳnh quang hay đèn cao áp cường độ mạnh khoảng 400W (thích hợp hơn đối với nhà vườn). Nếu cây Hồ Điệp của bạn không ra hoa vào khoảng tháng 2 hàng năm (đối với cây trưởng thành, trong điều kiện chăm sóc tốt), bạn hãy chuyển nó sang chố có nhiều nắng hơn.

Nhiệt độ
(Nguồn Wikimedia commons)
Hồ Điệp có thể phát triển tốt với nhiệt độ bình thường trong nhà khoảng từ 600F đến 850F ( tương đương từ 150C đến 300C). Ngoài ra, Hồ Điệp cũng cần thời gian ủ lạnh để kích thích chồi hoa hàng loạt ( đối với nhà vườn trồng với số lượng lớn) thường kéo dài khoảng 3 tuần.

Độ ẩm

Hồ Điệp phát triển tốt nhất trong môi trường có độ ẩm lên đến 50% hoặc có thể hơn, chính vì vậy việc tạo độ ẩm cho Hồ Điệp trong suốt quá trình chăm sóc là điều hết sức cần thiết. Hãy đặt chậu Hồ Điệp của bạn lên trên một chiếc đĩa có chứa sỏi được đổ một ít nước (đừng để nước chạm tới đáy chậu) nhằm tạo mô hình tiểu khí hậu cung cấp độ ẩm đầy đủ cho cây lan của bạn.

Chế độ tưới
(Nguồn Careforyourorchids)
Hồ Điệp là loài đơn thân không có giả hành, đồng thời, diện tích bề mặt lá lớn nên khả năng thoát hơi nước khá cao chính vì thế việc cung cấp nước tưới đầy đủ và duy trì độ ẩm thường xuyên cho cây là điều hết sức cần thiết. Tần suất tưới cũng cần phụ thuộc vào độ ẩm không khí, chất trồng, loại chậu được sử dụng…Lưu ý các bạn không nên tưới quá nhiều, đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng thối nhũn và làm chết bộ rễ.

Chất trồng
(Nguồn Aos)
Bộ rễ cũng cần không khí để hít thở, tốt nhất bạn nên chọn nhửng chất trồng dạng mảnh để tạo lỗ hổng không khí trong chậu nhằm tạo độ thoáng cần thiết cho cây (vỏ cây thông, than, viên đất nung… tất cả đã được qua xử lý để tránh cho cây khỏi nhiễm bệnh). Sau khi hoa tàn, bạn nên cắt bỏ ngồng hoa và thay chất trồng mới, đồng thời tỉa bỏ rễ chết và trồng lại vào chậu cũ hoặc chậu lớn hơn tùy theo kích thước của cây.

Phân bón

Bạn có thể tưới NPK 30-10-10 sau khi cắt phát hoa tàn để dưỡng cây chờ cho ra rễ mới, sau khi cây dần ổn định thì tưới 20-20-20 để dưỡng bộ lá khỏe mạnh. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng Atonik hay B1 tưới dặm luân phiên để cây phát triển tốt hơn.

(Tham khảo Agrilife & Rforchids)